Hà Nội tìm hướng đột phá để triển khai tiếp các dự án

Chiều 17/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã chủ trì cuộc họp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và các sở, ban ngành của thành phố để bàn các “kế sách” triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rà soát 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng đợt 1 trên địa bàn thành phố, nay cần thúc đẩy để triển khai tiếp.



Phát biểu đề dẫn tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho biết việc rà soát các dự án đầu tư đã được thực hiện trong suốt 2 năm qua để cho phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian các dự án bị dừng lại, ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư, đến thị trường bất động sản và cho chính sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hà Nội xem xét, giải quyết cho 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng đợt 1 trên địa bàn thành phố được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên cái khó của Hà Nội là phải cho phép các dự án triển khai theo hướng nào trong khi đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 hiện vẫn chưa được Chính phủ thông qua, các quy hoạch phân khu của Hà Nội cũng chưa hình thành!

Theo rà soát của tổ công tác liên ngành thành phố Hà Nội, trong 244 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư này có 201 đồ án, dự án đã nộp hồ sơ; 43 đồ án, dự án chưa nộp hồ sơ cho các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ở 201 đồ án, dự án, có 98 đồ án, dự án xếp loại 1 được phép triển khai ngay, không phải điều chỉnh; 125 đồ án, dự án được triển khai ngay nhưng phải điều chỉnh cục bộ cho phù hợp với hạ tầng xã hội bền vững, phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô (dự án nhóm 2); và 21 đồ án, dự án phải dừng để chờ quy hoạch phân khu (dự án nhóm 3).

Từ kết quả phân loại trên, Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành đưa ra giải pháp tháo gỡ để triển khai nhanh các dự án, đồ án trên, không gây cản trở thêm cho các nhà đầu tư.

Theo ông Vũ Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc: Để triển khai nhanh các dự án, UBND TP giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho phép 244 đồ án, dự án được phép thực hiện để các nhà đầu tư biết để triển khai. Những dự án nhóm 2 phải điều chỉnh cho khớp nối với đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ông Định cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng lập quy hoạch phân khu, vành đai xanh. Hiện Bộ Xây dựng đã có Thông tư số 10 hướng dẫn quy hoạch phân khu nhưng chưa rõ ràng gây khó khăn cho Tổ rà soát liên ngành trong việc giải quyết cho các dự án vướng vào quy hoạch phân khu này. Hơn nữa nếu thực hiện quy hoạch phân khu cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, càng gây ách tắc thêm cho các dự án.

Trái với ý kiến của ông Định, bà Lã Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho rằng: theo quy định của luật và Nghị định 37, chính quyền đô thị phải thực hiện phân khu trước khi thực hiện dự án. Để gỡ vướng cho vấn đề này, Hà Nội có thể trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho làm quy hoạch phân khu với sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn nên không mất nhiều thời gian. Viện Quy hoạch Xây dựng đã nghiên cứu và đề xuất Hà Nội có 29 phân khu cơ bản và các đô thị vệ tinh dựa trên các khu vực hiện nay và giới hạn các phân khu như: hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, hành lang sông Đáy, trung tâm chính trị Ba Đình, khu phố cổ, phân khu Hà Đông… Sau khi có quy hoạch phân khu, các chủ đầu tư chủ động điều chỉnh dự án của mình cho phù hợp với khung hạ tầng chung và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật… Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội xin thành phố cho đứng ra thực hiện quy hoạch và thiết kế phân khu.

Ông Nguyễn Văn Hải- Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đồng ý lập quy hoạch phân khu theo đề xuất của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Hải, cần tiếp tục phân loại 125 đồ án, dự án (loại 2, phải điều chỉnh) xem cấp độ đầu tư đã thực hiện đến mức nào; nếu dự án không ảnh hưởng đến quy hoạch phân khu hoặc chỉ phải điều chỉnh hạn chế thì có thể giải quyết cho triển khai ngay.

Tại cuộc họp, ý kiến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng thời gian các dự án bị dừng trong hai năm là quá lâu, nay để giải quyết nhanh thì phải “vừa chạy, vừa xếp hàng”; nên không thể cầu toàn mọi mặt. Trong 244 đồ án quy hoạch, dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục đầu tư, những dự án nào đã có quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có thể cho triển khai ngay; giảm nhẹ các thủ tục hành chính cho chủ đầu tư, thành phố chỉ hậu kiểm.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Phí Thái Bình cho rằng: Nếu cứ nén các dự án chờ đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hình thành xong mới cho triển khai các dự án thì sẽ rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển Thủ đô. Hà Nội cần tìm hướng đột phá để tháo gỡ khó khăn này. Thực tế, do ảnh hưởng của việc các dự án bị dừng để rà soát trong thời gian qua, trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội chỉ thu hút được 80 triệu USD vốn đầu tư. Những dự án phát triển công nghệ cao – công nghệ sạch có giá trị hàng tỷ USD, được hy vọng sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội trong thời gian qua cũng bị đình đốn, gây bức xúc không nhỏ cho các nhà đầu tư.

Theo đó, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu ngay việc đưa thêm các dự án loại 2 lên loại 1 vì có một số dự án nhỏ, độc lập không cần điều chỉnh; riêng loại 3 giữ nguyên. Với 43 đồ án, dự án chưa nộp hồ sơ (đây là những dự án đã triển khai xong như khu đô thị Văn Quán…), thành phố yêu cầu phải nộp hồ sơ bổ sung ngay để chính quyền có cơ sở quản lý. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch Đầu tư phải thông báo ngay cho các chủ đầu tư dự án loại 1 việc được tiếp tục triển khai lại dự án.

Ngoài ra, thành phố giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội xác định xây dựng quy hoạch phân khu theo vùng hay hướng tuyến. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội báo cáo lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng và Chính phủ cho phép Hà Nội được thực hiện quy hoạch phân khu theo cơ chế đặc thù.

Mặt khác, để các dự án được thực hiện lại nhanh, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc không chờ đợi quy hoạch phân khu, phân loại các dự án cần điều chỉnh, xem xét dự án nào có thể triển khai được cho thực hiện lại ngay.

Như vậy, sau 2 năm các dự án bị đình đốn để rà soát, chính quyền Hà Nội hiện nay cũng đang rất “sốt ruột” và đang tìm mọi kế sách để các dự án triển khai lại nhanh, thúc đẩy cho kinh tế đô thị Hà Nội phát triển sau khi hợp nhất với Hà Tây.
Resco Bình Thạnh - Theo Hà Nội Mới


Trang      Về trước ...   58    59    60    61    62  63   64    65    66    67    68    69  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)