Mở lối cho đường vành đai 4

Nếu chỉ dựa vào khai thác nguồn quỹ đất để tạo vốn, rất khó “khép kín” tuyến đường vành đai 4 –  vùng Thủ đô vào năm 2020.

Vào thời điểm này, dù đường vành đai 3 của Hà Nội vẫn còn một số điểm chưa “đóng mạch”, nhưng công tác chuẩn bị đầu tư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gấp rút triển khai.

Sau khi thông qua Báo cáo cuối kỳ Dự án đầu tư đường vành đai 4 – vùng Thủ đô vào giữa tháng 6/2010, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 8353/TTr – GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường này để có thể tiến hành xúc tiến công tác mời gọi đầu tư ngay trong năm 2011.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn bộ Dự án khoảng 71.959 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 38.423 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 12.444 tỷ đồng… Do quy mô của Dự án rất lớn, không thể đầu tư toàn bộ tuyến trong 1 lần, nên Bộ GTVT phân chia thành các dự án thành phần ưu tiên đầu tư trên địa bàn từng tỉnh, thành phố.

Theo đó, tuyến vành đai 4 được chia thành 5 dự án gồm: đoạn trong phạm vi Hà Nội bao gồm 3 phân đoạn Quốc lộ (QL) 32 – QL6, QL6 – cầu Mễ Sở; đoạn sau cầu Mễ Sở - đến hết địa phận tỉnh Hưng Yên; đoạn từ địa phận tỉnh Hưng Yên đến QL1 (đoạn Hà Nội – Lạng Sơn); đoạn QL18 – QL3; đoạn QL3 – cao tốc Hà Nội – Lào Cai.

Việc xây dựng công trình sẽ được triển khai từ nay đến năm 2020, trước mắt, đoạn đi qua Hà Nội và tỉnh Hưng Yên sẽ được triển khai ngay trong năm 2011 và hoàn thành vào năm 2015.

Khác với Báo cáo cuối kỳ, trong Tờ trình số 8353, việc huy động vốn bằng quỹ đất dưới hình thức đầu tư BT (hoàn trả bằng quỹ đất) là phương án tạo vốn chính cho Dự án mà Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố sẽ được giao tự huy động vốn đầu tư các dự án thành phần đi qua địa phương mình, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Các dự án không có khả năng gọi vốn tư nhân, Bộ GTVT sẽ cân đối vốn ngân sách, huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư.

Theo các chuyên gia, vào thời điểm hiện tại, một số đoạn tuyến vành đai 4, gồm QL32 – QL6 và đoạn QL6 – QL1 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BT. Tuy nhiên, đây chưa phải là phương án vốn tối ưu cho siêu dự án này.

Hơn thế, với diện tích đất chiếm dụng để xây dựng tuyến đường lên tới gần 1.500 ha, nếu áp dụng đại trà phương án đổi đất lấy hạ tầng, Dự án sẽ lấy thêm nhiều đất nông nghiệp màu mỡ của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đó là chưa kể đến việc Hà Nội về cơ bản không còn quỹ đất đủ lớn dọc tuyến để bố trí cho các nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT.

Bên cạnh đó, với tổng mức đầu tư lên tới cả chục ngàn tỷ đồng cho mỗi tiểu dự án, thời gian hoàn vốn có thể kéo dài từ 20 – 40 năm, không một nhà đầu tư nào có thể “độc lập tác chiến” một mình. “Việc triển khai xây dựng theo hình thức PPP có lẽ là lối thoát hợp lý hơn cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4”, ông Nguyễn Ngọc Long, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT đưa ra ý kiến.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, đường vành đai 4 sẽ bắt đầu và kết thúc tại Km3+ 695 (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được triển khai xây dựng. Tuyến đường sẽ giao cắt và kết nối một loạt tuyến đường xuyên tâm hướng vào Thủ đô Hà Nội gồm: đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai; đường trục chính đô thị Mê Linh; đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long; đường Láng – Hòa Lạc, QL2, QL32, QL6, QL5, QL1; QL38; QL21B; QL39B; Đường tỉnh 422; Đường tỉnh 72; Đường tỉnh 207; Đường tỉnh 282.

Đường vành đai 4 được xác định là vành đai “cao tốc của vùng Thủ đô” với chiều dài chính tuyến là 136,5 km, trong đó có 38,5 km đi “mượn” tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long.

Ngoài ra, để tạo điều kiện kết nối và nâng cao hiệu quả khai thác, Bộ GTVT kiến nghị đầu tư thêm một số tuyến nối giữa đường vành đai 4 với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên dài khoảng 36,1 km. Tuyến đường sẽ đi qua địa giới hành chính của 16 huyện, quận thuộc 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội (Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín); Hưng Yên (Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm); Bắc Ninh (Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du, Thuận Thành, TP. Bắc Ninh) và Bắc Giang (Hiệp Hòa).

Bộ GTVT đề xuất đường vành đai 4 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Đối với các đoạn tuyến thông thường, tuyến có chỉ giới xây dựng 120 m, đoạn qua các khu đô thị, công nghiệp xây dựng cầu cạn hoặc tường chắn có chỉ giới xây dựng từ 60 – 70 m.

Như vậy, tổng diện tích phải giải tỏa, thu hồi đất phục vụ Dự án vào khoảng 1.410 ha, trong đó Hà Nội là 825 ha, Hưng Yên là 230 ha, Bắc Ninh là 260 ha và Bắc Giang là 95 ha. Trên tuyến có 3 cầu vượt sông lớn là cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (vượt sông Hồng) và cầu sông Đuống (cách phía đông cầu Hồ hiện hữu 1 km).

Resco Bình Thạnh - Theo Đầu Tư


Trang      Về trước ...   9    10    11    12    13  14   15    16    17    18    19    20  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)