Bất động sản nghỉ dưỡng: “Lên núi” vì sợ... sóng thần?

Cách đây vài năm, nếu nói về xu hướng lựa chọn mua hay đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, thì “núi” bao giờ cũng được xếp sau biển.

Thế nhưng, sau thảm họa sóng thần tại nhiều nước Đông Nam Á và Tây Á hồi cuối năm 2006, tâm lý e dè trong giới đầu tư đã bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt, ngay sau vụ động đất, sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua, trong câu chuyện giữa các nhà đầu tư địa ốc hay trên các diễn đàn, trang mạng quảng cáo, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về việc rao bán các biệt thự ven biển.

“Cẩn tắc vô áy náy”, dù sao, lựa chọn đầu tư vào đâu là chuyện của các nhà đầu tư. Còn dưới góc độ người tiêu dùng, tức là các khách hàng có khả năng mua và có nhu cầu sử dụng bất động sản nghỉ dưỡng, có một xu hướng thực tế là họ cũng ngày càng để ý đến phân khúc này hơn.

Trong một chuyến tham quan một dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình mới đây, có thể thấy, tỷ lệ người trẻ tuổi giàu có tại Hà Nội là không ít. Không kể những “đại gia” chịu khó chạy xe riêng, chuyến xe du lịch sang trọng gần 50 chỗ ngồi của chủ đầu tư đã chật như nêm khi doanh nghiệp này tổ chức cho khách hàng tham quan dự án.

Điều đáng nói, ngay tại buổi tham quan hôm đó, hơn 10 hợp đồng mua biệt thự đã được ký kết giữa các đại gia với chủ đầu tư. Càng lạ hơn khi hỏi mục đích của việc mua bán, câu trả lời mà người viết nhận được đa phần đều khẳng định “mua để nghỉ cuối tuần”.

Trong câu chuyện với VnEconomy, ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Thăng Long Xanh - chủ đầu tư dự án Zen Resort tại Ba Vì - cho hay, thực tình doanh nghiệp này vẫn chưa thể đánh giá gì về tiềm năng dài hạn của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô .

Tuy nhiên, sau khi quyết định chi 120 tỷ đồng triển khai dự án với mục đích thăm dò thì trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc, thì sự quan tâm về bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng của các “đại gia” Hà Nội đã vượt quá sự tưởng tượng của vị giám đốc này.

“Ngay trong ngày mở bán thăm dò thị trường hồi đầu tháng 3 vừa qua, 10 lô biệt thự nghỉ dưỡng đã được bán ngay trong ngày. Hiện mỗi ngày có nhiều cuộc điện thoại gọi đến tìm hiểu dự án và thời gian mở bán đợt hai”, ông Tuấn Anh cho biết.

Nếu như dăm năm về trước, nhắc đến bất động sản sinh thái ven đô chỉ lác đác một vài dự án tại huyện Lương Sơn Hòa Bình hay khu vực Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội). Khi đó, các dự án nhà nghỉ dưỡng vẫn chủ yếu dưới dạng “resort mini”, nghĩa là chỉ nhằm phục vụ nhu cầu thuê nghỉ dưỡng của một bộ phận nhỏ gia đình có điều kiện tại Hà Nội muốn “thăm rừng, leo núi” vào mỗi dịp cuối tuần, kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, các dự án bất động sản sinh thái, nghỉ dưỡng đã theo nhau mọc lên tại nhiều khu vực có cảnh quan, không gian lý tưởng, trong đó vẫn tập trung vào khu vực phía Tây Hà Nội và số huyện, xã của Hòa Bình, giáp ranh với Thủ đô.

Ngoài những dự án đã và đang được triển khai, như quần thể villa sinh thái Top Hills (Lương Sơn), dự án The Queen Villas (Ba Vì), dự án Tản Viên Resort (Ba Vì), các dự án của tập đoàn Archi; dự án khu nhà ở cao cấp tại Hoà Bình (Lương Sơn) của Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí (Petrowaco)... thì sự góp mặt của một số dự án mới cho thấy các nhà đầu tư bất động sản đang kỳ vọng rất lớn vào chốn “rừng thiêng”.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 3, công ty Archi Reeco Hòa Bình đã quyết định đầu tư 800 tỷ đồng với mục đích biến khu vực có diện tích hơn 66 ha tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình thành một khu sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp vào năm 2017.

Trước đó mấy ngày, công ty Thăng Long Xanh cũng giới thiệu đến nhà đầu tư dự án ZEN Resort có tổng đầu tư 220 tỷ đồng tại Ba Vì, trên diện tích 50 ha.

Một điểm chung trong các dự án nghỉ dưỡng của một số nhà đầu tư kể trên là sự “liều mình”. Bởi lẽ, ngoài việc được địa phương duyệt cho thuê đất đồi núi trong khoảng 50 năm, nhà đầu tư không được hưởng một đặc ân nào khác từ chính quyền các địa phương nơi họ đặt dự án. Không những thế, để tăng giá trị cho dự án, hàng chục km đường sá, hạ tầng điện, nước đều được chủ đầu tư móc tiền túi đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, riêng trên địa bàn tỉnh này hiện có tới 19 dự án bất động sản sinh thái, chủ yếu tập trung vào các khu vực giáp ranh Hà Nội và khu vực dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.

“Nhiều người cho rằng hiện nay có nhiều nhà đầu tư tập trung rót vốn vào lĩnh vực bất động sản tại Hòa Bình vì họ được hưởng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện ưu đãi nào hết. Việc họ tăng đầu tư vào tỉnh Hòa Bình là do chiến lược lựa chọn đầu tư của họ mà thôi”, ông Bùi Văn Tỉnh nói với VnEconomy.

Còn dưới góc độ chủ đầu tư, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hồ sông Đà Sodito - chủ đầu tư dự án Country House tại Ba Vì - cho rằng, sở dĩ các dự án bất động sản sinh thái ven đô đều tập trung vào khu vực phía Tây Hà Nội là vì hạ tầng khu vực này được đầu tư quá mạnh.

“Ngay trước khi đại lộ Thăng Long hoàn thành, rồi hàng loạt các quy hoạch, kế hoạch di dời được công bố, chúng tôi đã đón đầu xu hướng mua căn hộ nghỉ dưỡng của giới đại gia Hà Thành bằng việc chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án Country House. Sống ngoại thành - làm việc nội thành dường như đang là mốt của nhiều gia đình trẻ hiện nay”, lãnh đạo Sodito nhìn nhận, sau khi công ty này có cuộc điều tra về xu hướng mua nhà của giới nhà giàu Hà Nội.

Resco Bình Thạnh - Theo VnEconomy


Trang      Về trước ...   66    67    68    69    70  71   72    73    74    75    76    77  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)