Tăng lãi suất không kỳ hạn để hút vốn kinh doanh trên thị trường 2

Tuần qua, lãi suất không kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy lên ngang ngửa với lãi suất có kỳ hạn.
 
  Hút vốn
Lãi suất tiền gửi VND đã được “luật hóa” dưới 14%/năm. Mới đây, ngày 10/3/2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại ban hành Thông tư số 04/2011/TT-NHNN quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại các tổ chức tín dụng.

Theo đó, mức lãi suất áp dụng đối với các khoản tiền rút trước hạn sẽ tối đa bằng với mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền.

Với các NHTM duy trì hai mức lãi suất khác nhau áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn thì theo thông tư 04, lãi suất cho các khoản tiền rút trước hạn sẽ được áp dụng ở mức lãi suất không kỳ hạn thấp hơn.

Một số NHTM nhỏ đã tăng dần lãi suất không kỳ hạn để hút vốn. Ngày 23/3, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) thông báo tăng lãi suất không kỳ hạn VND. Theo đó, từ ngày 23/3/2011, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn VND tại VietBank được điều chỉnh tăng 2,4%/năm.
Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi thanh toán không kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tại ngân hàng này là 6%/năm.

Với mức tăng này VietBank là một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn VND cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Tại Ngân hàng Việt Á, lãi suất huy động không kỳ hạn với khoản tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên là 8%/năm, nếu gửi từ 400 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng lãi suất là 7,5%/năm. Với món tiền từ 20 triệu đồng trở lên, người gửi hưởng lãi suất 6% mỗi năm.

VPBank mới đây cũng triển khai sản phẩm VP Super dành cho các khách hàng có nguồn tiền luân chuyển qua tài khoản thanh toán với lãi suất lên đến 9%/năm.

Cá biệt, tại SeABank, tiền gửi của khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao (từ 9 – 12%/năm) khi khách hàng để tiền trong tài khoản SeaSave Smart.

Theo lý giải của một số NHTM là do kỳ vọng lạm phát vẫn còn rất lớn làm cho hoạt động huy động vốn VND trong các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi trần lãi suất đã được khống chế ở mức 14%/năm, buộc các ngân hàng phải đẩy lãi suất kỳ hạn siêu ngắn lên cao hấp dẫn người gửi tiền.

Trước đây, khách hàng được hưởng lãi suất theo thời gian thực gửi, nhưng sau khi có quy định khách hàng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn đối với các khoản rút vốn trước hạn, trong khi lãi suất này chỉ từ 2-3,6%/năm. Điều này khiến các ngân hàng rất khó giữ chân khách hàng nếu không tăng lãi suất không kỳ hạn.

Để kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng

Ngoài ra, nhiều NHTM lo ngại lợi nhuận sẽ bị thu hẹp nếu phải siết lại tín dụng phi sản xuất theo yêu cầu tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN ngày 01/3 yêu cầu các ngân hàng giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trong khi tại không ít các ngân hàng chủ yếu thu lời từ hoạt động tín dụng, trong đó cho vay phi sản xuất góp phần đáng kể.

Lo ngại sụt giảm lợi nhuận khi tín dụng phi sản xuất phải thắt chặt, lại thêm áp lực trước cổ đông, một số NHTM đã tăng lãi suất không kỳ hạn lên cao lấy vốn cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng. Nguồn vốn thị trường liên ngân hàng (thị trường hai) lại là nguồn vốn ngắn hạn, các NHTM sử dụng nguồn vốn này gần như chỉ vay qua đêm hay một tuần để đáp ứng nhu cầu thanh khoản nhanh trong thanh toán, chi trả cho đối tác hoặc NHNN, đến khi dòng tiền về thì bù đắp trở lại.

Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, lãi suất liên ngân hàng đã giảm so với tuần trước, song ngày 22/3 cho vay qua đêm ở mức 16-17/năm, kỳ hạn một tuần 19-20%/năm và kỳ hạn tháng là 22-23%/năm.

Mặc dù vậy, do khan vốn, nhiều ngân hàng nhỏ sẵn sàng vay lẫn nhau trên thị trường hai và phải nhận lãi suất phạt nếu chậm một hai ngày, sau đó lấy vốn huy động không kỳ hạn trả nợ.

Trong điều kiện phải siết tín dụng phi sản xuất trong đó có tín dụng bất động sản, những ngân hàng này sẽ bị hạn chế nếu phải thế chấp bằng hồ sơ tín dụng khi vay tái cấp vốn.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất huy động không kỳ hạn tăng cao chỉ là chiêu giữ chân khách hàng, chứ không phải do khó khăn về thanh khoản.

Các ngân hàng không thể mạnh tay lấy vốn không kỳ hạn để cho vay ra nền kinh tế khi bị giới hạn tỷ lệ, chưa kể rủi ro kỳ hạn. Trong khi chênh lệch lãi suất hiện đã là 7-8%/năm, các ngân hàng sẽ kinh doanh trên thị trường hai nếu huy động được nhiều vốn không kỳ hạn.

Resco Bình Thạnh - Theo cafeF



Trang   1   2    3    4    5    6    7    8    9    10    11    12  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)