'Lạm phát cao hơn vì kỳ vọng của người dân'

Chính phủ cần kiên định với các giải pháp đã đề ra, đồng thời phải để người dân hiểu rằng chống lạm phát là việc làm rất đau đớn, Giám đốc ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi trả lời VnExpress bên lề Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Minh

- Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cảnh báo giá lương thực thực phẩm tăng cao đang gây sức ép tới lạm phát và đe dọa ổn định kinh tế trong khu vực. Nhưng tại sao điều này cũng xảy ra với Việt Nam, một nước lớn về sản xuất và xuất khẩu lương thực?

Sau khi tăng tới 1,96% trong tháng 2/2010, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam hạ nhiệt và chỉ nhích nhẹ không quá 1% trong suốt 6 tháng sau đó. Tháng 3/2010, CPI tăng 0,75%; tháng tư chỉ tăng 0,14%; tháng 5 tăng 0,27%; đến tháng 6 lại hạ nhiệt còn 0,22%. Sang tháng 7, CPI hầu như không biến động, chỉ nhích 0,06% trước khi tăng 0,23% trong tháng 8 và bắt đầu đột biến với mức 1,31% trong tháng 9/2010.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

- Trước hết tôi muốn làm rõ điều này. Lạm phát ở Việt Nam hiện nay cao cũng còn do cách tính so sánh cùng kỳ năm trước. Giữa năm ngoái, đặc biệt từ tháng tư cho đến tháng 8, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức rất thấp và chỉ tăng cao trở lại từ tháng 9, do giá lương thực và chi phí giáo dục tăng cao vào mùa tựu trường.

Mặt khác trong cơ cấu tính chỉ số giá của Việt Nam, lương thực thực phẩm chiếm tới 40%. Vì vậy, biến động giá lương thực ảnh hưởng rất lớn tới chỉ số chung. Giá lương thực tại Việt Nam tăng cao chủ yếu do thời tiết xấu, khiến mùa màng thất bát hoặc đe dọa gián đoạn nguồn cung. Quan ngại về thiếu hụt lương thực trên thế giới thời gian qua cũng là một nguyên nhân. Dĩ nhiên với Việt Nam điều này không hẳn xấu, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo. Nhưng nếu xét tới tiêu dùng trong nước, nó lại góp phần làm tăng giá.

Điều đáng quan tâm là trong dân chúng luôn thường trực tâm lý kỳ vọng giá còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là khi nền kinh tế đối mặt với lạm phát. Trong lĩnh vực tiền tệ, do lo sợ mất giá, những người có tiền đồng trong tay lại chuyển hóa tích trữ sang các dạng tài sản khác như vàng hay đôla Mỹ, tỷ giá đồng Việt Nam và đôla Mỹ vì thế càng chịu sức ép nhiều hơn. Cùng lúc đó, người có hàng hóa như nông dân cũng mong hàng hóa của mình sẽ còn được giá hơn. Một vòng xoay luẩn quẩn là giá càng cao, người ta càng kỳ vọng nó còn cao hơn nữa. Giá lương thực tăng cao sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn.

- Ông đề cập rất nhiều tới tâm lý và kỳ vọng của người dân Việt Nam như thể đây cũng là một nhân tố quan trọng khiến lạm phát tăng cao hơn. Tại sao vậy?

- Có lẽ người Việt Nam còn nhớ và lo sợ về lạm phát cao trong quá khứ. Mặc dù đã qua nhiều thế hệ kể từ thời lạm phát phi mã những năm 1980, nhưng không dễ gì để người ta thay đổi tâm lý đó. Còn một điều lạ nữa, tôi không muốn nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam nhưng cũng rất khó tìm thấy ở các nước khác, đó là tác động tâm lý kiểu dây chuyền. Chẳng hạn nếu thấy nhà hàng xóm tăng giá bán một vài mặt hàng, tôi cũng thấy mình cần phải tăng giá bán hàng hóa nhà mình dù không có lý do gì. Điều này khiến lạm phát đã cao sẽ còn cao hơn.

- Vậy giải pháp phù hợp cho vấn đề lạm phát của Việt Nam hiện nay là gì, theo ông?

- Các biện pháp thắt chặt là cần thiết để chống lạm phát. Điều này không hề đơn giản, bởi nỗ lực chống lạm phát bao giờ cũng đi đôi với những hệ lụy đau đớn. Chẳng hạn để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều đó có nghĩa lãi suất sẽ cao hơn, nguồn vốn ít hơn. Trong kinh doanh, lãi suất cao không dễ chấp nhận, vì thế doanh nghiệp sẽ phàn nàn rất nhiều. Hoặc để chống lạm phát, Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu công, khiến nguồn vốn cho đầu tư phát triển, cho cơ sở hạ tầng giảm đi, đồng nghĩa là số lượng dự án sẽ giảm đi, công ăn việc làm cũng sẽ giảm đi.

Điều cần làm là Chính phủ phải quyết tâm và kiên định với các giải pháp thắt chặt của mình cho đến khi nào giá cả bình ổn trở lại. Cùng lúc đó, chúng ta cần để công chúng hiểu rằng kiểm soát lạm phát không phải là điều dễ dàng. Chính phủ phải để người dân biết chống lạm phát sẽ khiến nhiều người bị ảnh hưởng và khó khăn, rằng Chính phủ cần thời gian để chống lạm phát cho dù điều đó gây đau đớn cho nhiều người. Mọi người phải chấp nhận và thông cảm để khi các giải pháp phát huy tác dụng, kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững hơn.

- Ông đánh giá thế nào về các giải pháp mà Việt Nam đang áp dụng thời gian qua?

- Chính phủ Việt Nam đã triển khai các giải pháp pháp đúng đắn để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết 11 của Chính phủ cũng là một giải pháp tốt. Nhưng cần nhìn nhận là bất cứ chính sách kiểm soát lạm phát nào, kể cả chính sách đúng đắn, đều cần thời gian để phát huy hiệu quả. Chẳng hạn chính sách đó nếu được đưa ra thực thi vào tháng 3 thì cần chờ tới tháng tư mới nhìn thấy kết quả đầu tiên.

Tôi tin rằng, từ tháng 5, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm dần khi các chính sách đúng đắn và quyết tâm của Chính phủ phát huy hiệu quả.

- Vậy đến khi nào Việt Nam nên nới lỏng dần các biện pháp thắt chặt hiện nay?

- Từ tháng 5 trở đi, lạm phát tính theo tháng sẽ bắt đầu giảm dần, tức là tháng sau sẽ thấp hơn tháng trước. Nhưng lạm phát tính theo năm vẫn ở mức rất cao vì như tôi nói ở trên, mặt bằng giá của tháng 4-8 năm ngoái rất thấp. Có thể bắt đầu từ tháng 9, lạm phát tính theo năm mới bắt đầu giảm xuống.

Tháng tư vừa rồi, chúng tôi dự báo nếu Chính phủ có thể đạt được mức tăng bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng cuối năm là 0,4% mỗi tháng, thì lạm phát cả năm sẽ dừng ở mức một con số. Nhưng thực tế cho thấy rất khó đạt điều này, và lạm phát cả năm có thể ở mức quanh 13%, một mức rất cao. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi cho đến khi lạm phát tính theo năm giảm xuống tới mức có thể chấp nhận được. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách thắt chặt như hiện nay, có thể đến cuối 2012, lạm phát tính theo năm sẽ giảm xuống mức 6-7%. Với diễn biến như vậy, mọi người kỳ vọng phần lớn các chính sách thắt chặt hiện nay còn được duy trì cho tới cuối năm sau.

- Nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, kiểm soát lạm phát quá ngặt nghèo trong thời gian dài sẽ khiến kinh tế không thể tăng trưởng và ảnh hưởng tới rất nhiều người. Ông nghĩ sao?

- Có ba điều rất quan trọng tôi muốn chia sẻ. Một là chính sách tiền tệ chỉ nên là một biện pháp sử dụng trong ngắn hạn. Lạm phát của Việt Nam xuất phát từ những yếu tố cơ bản, cấu trúc của nền kinh tế chưa hợp lý, tính hiệu quả chưa cao. Tôi biết bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, Việt Nam cũng đã có những kế hoạch và chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới phát triển bền vững ở một trình độ cao hơn, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, cải cách doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ.

Câu chuyện thứ hai, cũng là điều tôi muốn nhắc lại, đó là ổn định kinh tế thực sự là một quá trình đau đớn nhưng rất quan trọng để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững. Vì vậy, rất cần sự kiên định của Chính phủ và đồng thuận của người dân.

Điều thứ ba tôi muốn đề cập đó là: chính sách chỉ là chính sách. Các chính sách nếu chỉ tuyên bố suông sẽ không mang lại hiệu quả, trừ khi nó được đưa vào thực thi với quyết tâm cao độ. Nói đơn giản thế này, nếu Ngân hàng Trung ương tuyên bố thắt chặt tiền tệ, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy lãi suất sẽ tăng bao nhiêu. Nhưng thật khó để người dân hình dung khi Chính phủ tuyên bố cắt giảm đầu tư công ở mức như thế nào. Vì vậy, quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ là điều rất quan trọng để người dân tin tưởng và đồng thuận.

Bình Thạnh Resco - Theo VnExpress


Trang      Về trước ...   2    3    4    5    6  7   8    9    10    11    12    13  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)