Thị trường căn hộ TP.HCM: “Ôm” hàng chờ lãi suất giảm

Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh và thanh khoản của thị trường gặp khó khăn khiến hàng loạt dự án căn hộ dù hoàn tất phần móng đã phải tạm dừng kế hoạch chào bán...

Chủ dự án căn hộ khẳng định thị trường căn hộ chắc chắn sẽ hình thành mặt bằng giá mới, bởi giá cả đầu vào tăng mạnh. Nhưng thanh khoản thị trường đang rất kém là bài toán khó với chủ đầu tư...

Đảo lộn kế hoạch

Sau hơn một tháng hoàn tất phần móng và nhà mẫu của dự án căn hộ (hợp tác với đối tác Singapore) tại quận 2 (TP.HCM), đến nay Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) vẫn chưa công bố kế hoạch chào bán sản phẩm. Một dự án căn hộ khác tại quận 8, do HBC hợp tác với một đối tác trong nước, cũng đã hoàn tất phần móng và đang hoàn thiện nhà mẫu, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đả động gì đến chuyện bán sản phẩm.

Trước đó, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cũng tuyên bố hoãn việc chào bán sản phẩm một số dự án căn hộ (Thanh Bình, Incomex và Phú Hoàng Anh giai đoạn 2), dù từ cuối năm ngoái đã lên kế hoạch đưa ra bán các sản phẩm này vào tháng 3-2011. Theo giải thích của ông Lê Hùng - tổng giám đốc Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh (một thành viên của Hoàng Anh Gia Lai), việc hoãn kế hoạch bán sản phẩm là do “chưa xây dựng được giá”.

Ông Lê Hồng Phúc - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Nhà Việt - cho biết hiện tượng chủ đầu tư xây xong phần móng rồi “trùm mền” để đó hoặc tiếp tục triển khai cầm chừng mà không công bố bán hàng đang trở nên phổ biến hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do thanh khoản khó khăn và giá cả đầu vào tăng cao.

Theo ông Lê Quốc Duy - phó tổng giám đốc HBC, từ đầu năm đến nay giá nguyên vật liệu đầu vào của dự án như ximăng, sắt thép, gạch men... đều tăng mạnh, thấp nhất cũng 20% và cao nhất có loại vật liệu tăng đến 40% như thiết bị điện. Giá thành dự án do vậy đã đội lên rất cao.

Chờ lãi suất giảm

Công ty CP đầu tư bất động sản Thủy lợi 4A (một thành viên của Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 - CTCP) vừa quyết định tạm dừng kế hoạch bán sản phẩm dự án cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (Bình Thạnh), dù dự án đã được công bố giá bán vào đầu năm.

Ông Lê Tấn Hòa - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Lilam SHB, đơn vị cũng đang tạm dừng kế hoạch bán dự án 584 Lilam SHB Plaza (Gò Vấp) - cho rằng nhiều chủ đầu tư đang kỳ vọng thị trường căn hộ, đặc biệt là phân khúc giá trung bình sẽ khởi sắc hơn một khi lãi suất ngân hàng được kéo giảm xuống.

Theo ông Hòa, mặc dù giá bán căn hộ trong suốt một thời gian dài vừa qua hầu như không tăng, thậm chí giảm, nhưng thanh khoản vẫn rất kém do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản và một phần do tâm lý của nhà đầu tư.

Ông Lê Quốc Duy cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng thời gian qua nhiều chủ đầu tư đã chia khó với khách hàng, chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ để huy động vốn triển khai dự án, thay vì trông chờ vào nguồn vốn tín dụng với lãi suất cao mà lại khó tiếp cận. Tuy nhiên theo nhiều chủ đầu tư, sau một thời gian dài “gồng gánh”, việc tăng giá bán là điều khó tránh khỏi.

Chẳng hạn, sau gần hai năm duy trì mức giá bán từ 8-10 triệu đồng/m2, dự án khu căn hộ 584 Tân Kiên (Bình Chánh) vừa được Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) điều chỉnh tăng lên 12-13 triệu đồng/m2. “Chúng tôi không thể gồng gánh mãi được do giá đầu vào đã tăng mạnh...” - ông Trần Kim Minh, chủ tịch HĐQT Công ty NTB, nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Lộc - tổng giám đốc Công ty TechcomReal, giá bán căn hộ tại một số dự án đã bắt đầu rục rịch tăng thời gian qua và chắc chắn sẽ có nhiều chủ đầu tư tiếp tục nâng giá bán sản phẩm, thị trường căn hộ TP.HCM nhiều khả năng sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng cơ hội tăng giá chỉ khả thi đối với các dự án có giá trung bình, phân khúc vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng có nhu cầu an cư.

Đề nghị bỏ chia lô, bán nền, bán nhà xây thô

Bộ Xây dựng vừa báo cáo lên Thủ tướng tình hình thị trường bất động sản và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thị trường bất động sản năm 2010 và đầu năm 2011 đang phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Điều này thể hiện ở giá cả bất động sản, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Khảo sát thực tế cho thấy giá nhà ở tại các đô thị lớn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân.

Kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, Bộ Xây dựng cũng nhận thấy còn nhiều dự án, tỉ lệ nhà ở đưa vào sử dụng đạt thấp, đặc biệt là biệt thự, nhà liên kế tại các dự án có vị trí xa trung tâm hoặc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ.

Để thị trường bất động sản không trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay, hạn chế cho vay các dự án cao cấp.

Đồng thời cần sớm nghiên cứu thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người lao động có điều kiện mua nhà. Bộ Xây dựng kiến nghị xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng.

Bình Thạnh Resco - Theo TTO


Trang      Về trước ...   72    73    74    75    76  77   78    79    80    81    82    83  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)