Bất động sản sẽ.. bất ổn nếu bỏ công chứng

Nếu bỏ công chứng trong các giao dịch bất động sản sẽ tăng nguy cơ lừa đảo, kiện tụng v.v... có thể gây nên những bất ổn trong xã hội và trong thị trường bất động sản.

Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc 7 loại hợp đồng liên quan tới nhà ở không bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực đã không nhận được sự đồng tình của giới luật gia nói chung vì nghi ngại rủi ro pháp lý.

Bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trao đổi xung quanh đề xuất của Bộ Xây dựng về việc 7 loại hợp đồng liên quan tới nhà ở không bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực.

Có ý kiến cho rằng việc bỏ thủ tục công chứng là vì người dân phàn nàn về công chứng. Theo bà, có đúng như vậy không?

Qua kết quả sơ kết 2 năm thi hành Luật Công chứng và đánh giá chung về 3 năm thực hiện Luật cũng như phản ánh chung của nhân dân thì chủ trương xã hội hóa công chứng đã khắc phục được tình trạng hành chính phiền hà trước đây.

Hiện nay, trên cả nước có 379 tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng) với khoảng 700 công chứng viên, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Hầu hết các yêu cầu công chứng đều được giải quyết nhanh chóng, không gây phiền hà cho người dân, người dân không phải chờ đợi…

Nhiều Văn phòng công chứng đã mua bảo hiểm với mức bảo hiểm rất cao, có nơi mua tới 10 tỷ đồng, nếu có rủi ro xảy ra thì có cơ sở để bồi thường thiệt hại. Nhiều Phòng công chứng đã đổi mới phương thức phục vụ theo phương châm “an toàn, nhanh chóng, thân thiện”.

Bộ Tư pháp đã và đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động công chứng và nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, chất lượng đội ngũ công chứng viên… Nói người dân phàn nàn về công chứng là không có cơ sở, vì trước đây khi chưa xã hội hóa và các Phòng công chứng còn làm bản sao thì có tình trạng chờ đợi, phiền hà, thậm chí tiêu cực, nhưng với chủ trương xã hội hóa, những biểu hiện này đã không còn.

Theo quy định hiện hành, nếu muốn bỏ công chứng nhà đất, sẽ phải chỉnh sửa nhiều luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự. Như vậy, liệu việc này có khả thi không, thưa bà?

Trước hết, cần phải xem là đề xuất về bỏ công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về bất động sản có hợp lý không rồi mới tính đến tính khả thi của việc sửa đổi các Luật có liên quan. Đề xuất này của Bộ Xây dựng xuất phát từ việc kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Đề án 30, với mục đích người dân được giản tiện hơn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào thực chất của vấn đề.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chậm được nhận “giấy hồng’, “sổ đỏ” trong thời gian qua không phải là vì thủ tục công chứng, mà xuất phát từ những vướng mắc trong khâu thụ lý, giải quyết hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sang tên, trước bạ nhà đất, từ việc trong hồ sơ yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, tài liệu kèm theo…

Mặt khác, đề xuất của Bộ Xây dựng liên quan đến nhiều văn bản và các chủ trương, chính sách của Nhà nước thuộc hệ thống pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai, xây dựng, công chứng, chứng thực, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm… nên không thể nói một cách đơn giản là bỏ công chứng đối với các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản hoặc chỉ sửa các điều khoản của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở về vấn đề này mà sẽ còn hàng loạt các vấn đề, quy định, văn bản có liên quan cần phải giải quyết.

Chẳng hạn như, các quy định có liên quan về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký bất động sản, chủ trương chuyển giao các hợp đồng giao dịch từ UBND sang tổ chức hành nghề công chứng thực hiện…

Bên cạnh đó, tổng thể chủ trương, định hướng phát triển hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã chưa được tính đến một cách toàn diện và đầy đủ. Nếu không cẩn thận, còn tạo ra sự mâu thuẫn, chồng chéo không thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về dân sự và nhà đất, công chứng, chứng thực…

Nếu bỏ công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch thì xét dưới góc độ pháp luật và thực tế, liệu có gia tăng rủi ro hay không và ở mức độ nào?

Công chứng với chức năng bảo đảm tính an toàn, tính xác thực của hợp đồng giao dịch sẽ giúp ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp, giảm thiểu rủi ro pháp lý có thể phát sinh, nhất là trong bối cảnh kiến thức pháp luật của người dân hiện vẫn còn hạn chế và thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất là các hợp đồng, giao dịch diễn ra thường xuyên hàng ngày trong cuộc sống xã hội, với giá trị lớn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, nếu bỏ công chứng đối với hợp đồng nhà đất sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro đối với các bên liên quan, dẫn đến thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch, trật tự kinh tế và an toàn xã hội cũng không được bảo đảm.

Công chứng viên được coi là “thẩm phán phòng ngừa », có nhiệm vụ kiểm tra, làm chứng về mặt thỏa thuận dân sự giữa hai bên. Nếu bỏ công chứng, không ai đứng ra “chứng” là hợp đồng, giao dịch đó bảo đảm tính xác thực và hợp pháp, khi có tranh chấp xảy ra, người dân không có cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và thậm chí có thể nói là sẽ quay lại thời kỳ mua bán, trao đổi, giao dịch bằng giấy viết tay như ngày xưa khi công chứng chưa phát triển. Hiện tượng lừa đảo, kiện tụng, vi phạm pháp luật trong các giao dịch, mua bán bất động sản có nguy cơ tăng lên, có thể gây nên những bất ổn trong xã hội và trong thị trường bất động sản.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Thư (thực hiện)

Bình Thạnh Resco - Theo Pháp luật Việt Nam


Trang      Về trước ...   25    26    27    28    29  30   31    32    33    34    35    36  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)