Khó tránh việc người giàu mua được nhà xã hội

Nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến việc phát triển nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết trong cuộc họp báo, giới thiệu về hội nghị liên quan BĐS do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 9-11.

Hà Nội dừng triển khai nhiều dự án: Hoang tin?

Trước hiện tượng người giàu đi ô tô mua nhà xã hội, Thứ trưởng Nam khẳng định: “Tôi đã thủ sẵn nắm đấm đây rồi. Chỉ cần bán xong một cái là đi kiểm tra ngay. Chính sách bán nhà cho người thu nhập thấp rõ ràng là đúng đối tượng. Chuyện trục lợi cũng có, nhưng tại thời điểm này, chưa có căn hộ chung cư giá thấp nào được bán nên không thể nói nó rơi vào tay người giàu được. Đi ô tô đến đăng ký là một chuyện, nhưng mua được lại là chuyện khác”.

Ông Nam cũng chia sẻ rằng, việc có người giàu mua được nhà xã hội là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những dự án đầu tiên kiểu này sẽ khó để xảy ra chuyện đó. “Chắc chắn, đa số nhà xã hội sẽ rơi vào tay người thu nhập thấp. Mong báo chí cùng giám sát”, ông Nam nói.

Liên quan việc một cơ quan chức năng Hà Nội đưa ra danh sách dừng triển khai hàng loạt dự án nhà ở (trong đó có dự án đã thu tiền dưới các hình thức khác nhau) đang gây xôn xao trên thị trường bất động sản, Thứ trưởng Nam nói: “Cho tới thời điểm này, quy hoạch chung của Thủ đô vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt”. Theo đó, cơ sở pháp lý rà soát điều chỉnh cũng chưa có.

“Tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và anh ấy nói đã có ý kiến gì đâu. Anh Thảo còn nói, việc rà soát cho triển khai dự án nào là của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng chưa có ý kiến gì. Do vậy, những thông tin này không biết từ đâu phát ra. Nếu giả sử có soát xét các dự án cũ thì Luật Việt Nam cơ bản không hồi tố”, ông Nam nói.

Người giàu mới tiếp cận được thị trường BĐS

Tính minh bạch trong giao dịch BĐS còn hạn chế. Thứ trưởng Nam dẫn chứng, 80% giao dịch năm 2009 là phạm luật-không thông qua sàn giao dịch. Bộ Xây dựng trước đó chủ yếu chỉ nghiên cứu, ban hành luật..., năm 2010, mới có đoàn đi kiểm tra.

Còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh được ông Nam dẫn ra, như: Có quy định đấu giá đất nhưng thực tế toàn giao đất. Giá BĐS của Việt Nam so với thế giới còn cao (đứng vào khoảng thứ 20) trong khi mặt bằng thu nhập còn thấp.

“Ở các dự án mới, giá đất chiếm đến 80%, trong khi vật liệu xây dựng và các chi phí khác chỉ 20%. Ví dụ giá đất 4 quận nội thành có nơi khoảng 500 triệu đồng/m2, chi phí xây dựng nhà thì chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2. Với tình hình này, chủ yếu người giàu mới có khả năng tiếp cận được thị trường bất động sản”, ông Nam nói.

Trước việc thị trường BĐS phát triển tự phát, Thứ trưởng Nam thừa nhận rằng, cơ quan chức năng chủ yếu mới chỉ quản lý theo kiểu chữa cháy, chưa có lộ trình, chiến lược lâu dài với thị trường này.

Tới đây, Bộ Xây dựng cũng kỳ vọng sẽ xây dựng được chỉ số BĐS (được xem là chỉ số cho toàn thể thị trường BĐS bao gồm thống kê giá và khối lượng giao dịch của các sản phẩm) của 4 thành phố lớn (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ).

Theo Thứ trưởng Nam, chỉ số này sẽ căn cứ vào các số liệu từ các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng cấp giấy chứng nhận nhà đất và cơ quan thuế.

Resco Bình Thạnh - Theo Tiền Phong


Trang      Về trước ...   70    71    72    73    74  75   76    77    78    79    80    81  ...    Trang kế

Thành viên đăng nhập



Sàn giao dịch BĐSXem tất cả

Đang cập nhật thông tin

Thông tin tỉ giá

  Tỷ giá (Exchange rate)
(Vietcombank)
 
(Sacombank)